Rau ngổ (Ngò om) - rau thơm nên dùng thường xuyên

Rau Ngổ (Rice paddy herb) miền Nam gọi là rau Om hay Ngò om (Limnophila aromatica) thuộc họ hoa Mõm chó (Scrophulaginaceae), là cây rau thơm không thể thiếu trong nồi canh chua…

Đặc tính thực vật

     Rau Ngổ (rau Om) thân thảo, nhất niên hay đa niên, nhỏ, thân xốp, có nhiều lông, rất thơm. Lá mọc đối có khi chụm 3 - 4, không cuống; phiến thon, không lông, bìa có răng, gân phụ 4 - 6 cặp. Hoa cô độc hay chùm vài hoa ở nách lá; cọng dài; đài 4 - 5 mm, vành tím lợt, ống 8 - 9 mm, tai gần như bằng nhau; tiểu nhụy 4. Nang tròn, không lông, ngắn hơn đài; hột nhiều, nhỏ.

     Mọc hoang ở ruộng ẩm, lầy, bình nguyên, thường trồng làm gia vị cho canh chua.

     Lợi sữa, trị sữa mẹ chua, sát trùng, thu liễm, làm lành vết thương, trị kinh nguyệt đau. (EMPR6).

     Rau Om còn được giới nuôi cá cảnh trồng như một thực vật thủy sinh trong các bồn, bể kiếng thả cá để sát trùng nước.

Các nghiên cứu dược học

Hoạt tính chống oxy hóa:

     Nghiên cứu phối hợp giữa hai ĐH Mahidol University, Bangkok (Thái Lan) và ĐH y dược Toyama (Nhật) ghi nhận nước chiết L. aromatica  (Ngò om) bằng methanol và các tinh dầu của L. aromatica có khả năng thu các gốc tự do, các gốc NO và chống được phản ứng per-oxy hóa lipid. Hoạt tính chống oxy hóa của nước chiết bằng methanol mạnh hơn các tinh dầu. Hoạt tính ức chế lipid peroxydation của nước chiết methanol (IC50 = 133 microg/ml) được so sánh với Trolox (thuốc dùng làm tiêu chuẩn, có IC50 = 6,57 microg/ml). Hoạt tính thu nhặt các gốc NO dùng Curcumin làm chất chuẩn. (Thai Journal of Phytopharmacy số 11-2004).

Hoạt tính chống sưng:

     Nghiên cứu khác, cũng tại ĐH Mahidol (Thái Lan) ghi nhận nước chiết bằng methanol Ngò om (L. aromatica) ngoài hoạt tính ức chế sự tạo NO, còn ức chế sự tạo TNF-alpha (Tumor necrosis factor) khi thử trên các tế bào macrophage của chuột dòng RAW 264,7 (NO và TNF-alpha là 2 chất quan trọng trong tiến trình sưng đau). (Journal of Medicinal Food số 12-2009). (Ngò om có tác dụng chống sưng đau).

Hoạt tính kháng khuẩn:

     Flavonoid trong Ngò om: nevadensin và isothymusin ly trích từ Ngò om, có những hoạt tính diệt khuẩn khi thử trên các vi khuẩn Bacillus subtilis, Staphylococcus aureus (MIC = 250 microg/ml), E. coli (MIC = 200 microg/ml), Salmonella typhimurium. Hoạt tính diệt khuẩn được giải thích là do tác động ức chế các men phophofructo kinase, dehydrogenase cần thiết cho sự tạo tế bào nơi vi khuẩn (Chemistry & Biodiversity số 8-2011). (Như vậy Ngò om sát trùng đường ruột và đường tiểu rất tốt).

     Nevadensin và isothymusin cũng ngăn chặn được sự tăng trưởng của vi trùng lao Mycobacterium tuberculosis chủng H37-Ra, tuy nhiên hoạt tính này tương đối yếu (MIC = 200 microg/mL) khi so sánh với rifampicin (MIC = 0,003 - 0,0047) và isoniazid (0,025 - 0,5), kanamycin (1,25 - 2,5).

Hoạt tính diệt tế bào ung thư:

     Nevadensin có hoạt tính diệt tế bào khi thử trên các tế bào ung thư Dalton lymphoma, và ung thư Ehrlich nơi chuột (Swiss albino). Hoạt tính diệt tế bào lên đến 100% ở nồng độ 75 microg/mL (International Journal of Pharmacology số 29-1991).

Ngo om trong dược học dân gian

     Theo kinh nghiệm dân gian tại một số quốc gia châu Á:

     - Việt Nam: Ngò om được xem là có vị cay, hơi chát, tính mát, mùi thơm, có tác dụng thanh nhiệt, chỉ khái, giải độc, tiêu thũng, trừ viêm. Rễ có tác dụng làm giãn cơ phủ tạng nên trị được đau bụng. Ngò om được dùng để trị ho cảm (sắc 15 - 30 g cây tươi, uống), trị vết thương ngoài da gây mủ, (giã nát cây tươi, đắp lên vết thương), trị rắn cắn. Trị sạn thận (50 - 100 g rau tươi xay sinh tố uống mỗi ngày, trong 15 - 30 ngày. Có thể nấu với 2 chén nước, sôi 20 phút và ăn như canh).

     - Trung Quốc: Ngò om (L. aromatica) được dùng để trị chấn thương khi té ngã và chữa thủy thũng, sưng kết mạc. Mụn ngoài da, rắn cắn và cam tích nơi trẻ em.

L. aromatica được dùng trị các rối loạn, đau khi có kinh nguyệt, giúp sinh sữa cho sản phụ.

     - Malaysia: lá rau Om được dùng làm thuốc đắp trị đau nhức chân. Rễ và lá, sắc chung để trị nóng sốt, thông đờm khi ho.

     - Indonesia: nhựa dùng làm thuốc trị giun sán, rửa vết thương.

     - Ấn Độ: toàn cây: dầu giúp sinh sữa, sát trùng; nước cốt trị nóng sốt, cho sản phụ uống khi sữa bị chua. Lá giã nhỏ đắp vết thương.

Ngò om trong ẩm thực

     Ngò om được dùng làm rau thơm, có thể ăn sống (phở, hủ tiếu) hay nấu canh chua. Theo các sách dạy nấu ăn Âu - Mỹ thì rau Om hầu như chỉ được dùng trong vùng Đông Nam Á. Giới “ăn uống” cho rằng rau Om có vị giữa quế và cumin, đồng thời thoảng nhẹ thêm mùi chanh. Ernest Small (Top100 Exotic food Plants) cho rằng Ngò om là “bí quyết” của món canh chua cá của miền Nam Việt Nam giúp phân biệt với canh chua tôm yum của Thái (thường nấu với tôm, thêm vị chua do dứa và chanh). Món Samlor Machu Trey của Campuchia được xem là gần như canh chua VN, cũng dùng thêm Ngò om.

     Ngò om cũng được “gia thêm” vào món cà ri, nhất là cà ri gà VN.

     Tóm lại, rau Ngổ (rau Om, Ngò om) là một rau gia vị có tác dụng kháng viêm, giảm đau, sát trùng đường ruột, đường tiểu, trị sỏi thận, sốt nóng và có tác dụng chống lão hóa, ngừa ung thư. Nên dùng thường xuyên trong các bữa ăn.

Bình luận của bạn