Nhiều loại tinh dầu đã được nghiên cứu thấy có tác dụng kháng khuẩn. Sau đây là một số ví dụ:
Tinh dầu sả
Tinh dầu từ các loài sả - Andropogon spp. có tác dụng kháng khuẩn chủ yếu lên vi khuẩn gram âm. Tác dụng của tinh dầu sả tỉ lệ thuận với hàm lượng citral.
Tinh dầu bạch đàn
Tinh dầu từ cây bạch đàn - Eucalyptus globulus có tác dụng lên Bacillus subtilis vàStaphylococcus aureus nhưng kém tác dụng đối với E. coli. Cineol trong tinh dầu là thành phần có tác dụng.
Tinh dầu một số cây họ Hoa môi.
- Tinh dầu cây húng dỗi (= húng quế) - Ocimum basilicum L. Có tác dụng kháng Salmonella typhi.
- Tinh dầu cây hương nhu trắng - Ocimum gratissimum L. Có tác dụng kháng vi khuẩn lao.
- Menthol có trong tinh dầu bạc hà có tác dụng chọn lọc trên một số chủng Brucella như B. melitensis, B. paramelitensis, B. suis.
Tinh dầu một số cây thuộc họ Cúc.
Một số cây họ Cúc - Asteraceae chứa các azulen chủ yếu là Camazulen là thành phần có tác dụng kháng khuẩn. Camazulen dùng đề chữa viêm, bỏng, eczema...
Vichkanova (1972) đã thử tác dụng kháng nấm của 109 loại tinh dầu và thành phần có trong tinh dầu bằng phương pháp pha loãng dùng môi trường đặc cấy các chủng: Candida albicans, Microsporum lanosum và Trichophyton gypseum. Tinh dầu của hạt Tropaeolum major kháng cả 3 loài, rễ cây Echinopanax elatum kháng M.lanosum và T. gypseum, rễ cây Phytolacca americana kháng M. lanosum và chất sesquiartemisol từ Artemisia cina kháng M. lanosum và T. gypseum.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ và cs. (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.