Cây Mùi Già: Rau mùi là tên gọi ở miền Bắc, miền Nam gọi là ngò. Gọi là mùi (ngò) ta để phân biệt với mùi (ngò) tàu (ngò tây, ngò gai vì lá có gai) ở mép lá. Tên Hán là hồ tuy, Bản thảo cương mục gọi là hương tuy. Tên khoa học là Coriandrum sativum L. Thuộc họ Hoa tán APIACEAE.
Mùi đã trở thành cây rau, cây thuốc Nam từ lâu đời, quen thuộc của người Việt Nam. Ngoài ra cây mùi có tinh dầu với thành phần chính là coziandrol (65-70%) dùng làm nước hoa, nước gội đầu, làm rượu, ướp chè. Hạt tươi quả mùi hắc nhưng rang sấy lên thì mùi trở nên thơm dễ chịu. Tính năng công dụng của mùi trong Đông Tây y tương tự các cây cỏ có tính dầu, như gây hưng phấn thần kinh và tình dục, tăng trí nhớ, kích thích ăn ngon miệng, tiêu hóa tốt, chữa nôn trướng bụng (đánh trung tiện) giảm đau răng, thắt dạ dày, ruột.
Một số phương thuốc từ rau mùi
Làm cho sởi mọc nhanh và đều:
Trước mùa sởi, lấy cây mùi già rửa sạch hong gió cho khô để nấu nước tắm, giặt quần áo cho trẻ 1-2 tuần một lần. Khi bị sởi dùng lá hay hạt giã nhỏ, nhuyễn, với ít rượu trắng, cho vào bọc vải xoa nhẹ lên người từ trên xuống tay chân (trừ mặt) hoặc phun bằng miệng (sau khi đã súc miệng) xong mặc áo kín, tránh gió lùa.
Làm lợi sữa:
- Lá rau mùi khô 50g, hạt mùi 20g. Sắc đặc uống mỗi lần 1 chén, ngày 2 lần.
- Hạt mùi 12g, gạo nếp lức 30g. Nấu cháo ăn.
- Hạt mùi 6g cho vào ấm cùng 100ml nước, đun sôi khoảng 15 phút, lấy nước thuốc chia làm 2 phần uống hết trong ngày.
Làm đẹp da: Lấy toàn cây mùi già thân, cành, lá, hoa, quả, rễ nấu nước tắm, da trở nên mềm mại, sáng đẹp.
Chữa loét niêm mạc lưỡi: Lá rau mùi 20g, rau húng chanh 12 lá, ngâm nước muối. Nhai kỹ ngậm nuốt từ từ, rất có hiệu quả.
Chữa mặt mọc nốt ruồi đen: Hạt mùi sắc nước rửa mặt thường xuyên (Nam dược thần hiệu).
Chữa lòi dom, sa trực tràng: Quả mùi đốt lên rồi tắt lửa cho khói lên để xông vào hậu môn.
Chữa chứng đau bụng lâm râm sau khi ăn, đầy hơi không tiêu: Rau mùi 1 nắm, vỏ quýt 8-10g. Sắc uống khi nước còn ấm.
Chữa kiết lỵ: Đau bụng mót rặn đi ngoài không được, hoặc ra tí chút kèm máu. Hạt mùi 1 vốc sao thơm, tán nhỏ, mỗi lần uống khoảng 8g. Nếu lỵ ra máu uống với nước đường, nếu lỵ ra đờm uống với nước gừng. Ngày 2 lần.
Chữa giun kim: Hạt mùi tán nhỏ, trứng gà luộc, ít dầu vừng nhào chung cho đều, viên nhỏ nhét vào hậu môn của trẻ khi trẻ ngủ đêm, làm 3 đêm liền.
Chữa tiêu chảy ra máu: Hạt mùi 1 vốc sao thơm, tán nhỏ. Mỗi lần uống 8g, với nước chín. Ngày 2 lần rất tốt (Nam dược thần hiệu).