Như lời ước hẹn, khoảng cuối tháng 9 dương lịch, tiết thu phân. Hoa mộc lại lặng lẽ trở về. Những bông hoa nhỏ li ti trắng ngà có mùi thơm thật thà quyến rũ. Mộc hương là sự nhắc nhở cho con người về sự khiêm tốn giản dị mà vẫn không kém phần đài các, kiêu sa.
"Thu chở heo may rớt bên thềm
Nhớ thương nào rồi cũng phai phôi
Mộc hương về chưa, hỡi đơn côi?"
Mấy hôm nay sáng nào cũng lời ca ấy, giọng khàn ấy đi qua cổng nhà mình.
Đó là một người đàn ông không còn trẻ. Mình hỏi tại sao cứ qua cổng nhà tôi lại hát lời này. Anh ta cười cười: “Tại mộc nhà chị nở sớm, tỏa hương thơm quá đấy thôi!”. Rồi quay gót cho kịp bạn đồng hành.
Tôi nghĩ, có lẽ hương mộc đã gợi lại kỷ niệm về mối tình nào đó của anh ta...
Với tôi, cũng có nhiều bạn bè hỏi sao sân nhà chị ngoài cây mít và cây lộc vừng ở hai trái nhà, giữa là thảm tóc tiên, còn lại toàn là chậu cảnh mộc hương.
Tôi trả lời chỉ là vì thích mùi hương của nó.
Vẻ ngoài của mộc hương không nổi bật như một số cây khác. Đó là loại cây thân gỗ có thể trồng trong chậu hay trong vườn, thân và cành mộc mốc trắng, lá mọc so le, lưa thưa tựa lá chè.
Tuy nhiên, chính sự mộc mạc và bình dị của nó đã tạo nên nét đẹp và phong cách đặc biệt cho loại cây này. Mộc đẹp một cách rất riêng. Không phô trương nhưng lại quyến rũ vô cùng. Mộc như cô gái quê không cần phấn son vẫn xinh đẹp dịu đằm.
Có lẽ chùa là nơi mộc được trồng nhiều nhất. Hồi còn ở nhà cũ, bên phố, giao thừa nào tôi cũng ra lễ chùa sau đó về xông nhà mình. Đêm trừ tịch tối như bưng. Chỉ có mùi hương thơm của hoa là ngào ngạt lan tỏa. Thì thầm trước tượng Phật Bà Quan Âm độ mệnh. Tôi nguyện cầu một năm an lành cho gia đình và đất nước bình yên.
Mộc thơm không hắc như hương hoa sữa. Không nặng như hương hoa dạ hương mà cũng không quá nồng như hoa nhài. Mùi thơm ấy thanh tao, quyện mùi trầm hương đêm ba mươi thật linh thiêng. Bỗng thấy yêu cuộc sống này biết bao. Mọi người đảnh lễ xong, dù chẳng quen biết vẫn chào và chúc nhau những điều tốt đẹp.
Từ ngày chuyển nhà về khu đô thị mới, giao thừa tôi không về chùa cũ nữa vì xa. Nhưng vẫn giữ nếp cũ ra chùa gần nhà để lễ.
Hình như đêm ba mươi mộc cũng thơm hơn mọi đêm. Ở chùa Nguyệt Quang, mộc chỉ có vài cây nhưng bù lại hoa sai và rất thơm.
Từ nhà ra chùa đi bộ mất 5 phút. Khi tiếng chuông cuối cùng trên nhà thờ lớn vọng sang và những chùm pháo hoa rực rỡ bung lên cũng là lúc tôi trở về xông nhà. Anh xã đã chờ sẵn bên mâm lễ giao thừa ngoài trời. Hương mộc, hương trầm quấn đượm vào nhau thật đặc biệt. Cùng làm lễ xong, vợ chồng mừng tuổi cho nhau, chúc nhau những lời tốt lành năm mới. Đã hơn chục mùa xuân đi qua, năm nào cũng vậy, có mộc hương làm chứng...
“Sắc trà hương mộc” là câu nói được truyền đời từ lâu. Đôi khi cùng bạn bè ngồi bên cửa sổ, nhấp chén trà thơm mùi hoa mộc thấy ấm lòng. Mới thấy nhu cầu về tinh thần cũng cần thiết như nhu cầu về những thứ vật chất khác.
Những buổi sáng ngắm bình minh, hít hà hương hoa mộc len vào từ khuông cửa khép hờ. Bỗng thấy thân tâm nhẹ như hơi thở...
Hương của cây hoa mộc không chỉ nồng nàn say đắm mà còn trở thành một nét văn hóa tâm linh. Trồng mộc ngoài sân có thể trừ tà, đem lại nhiều may mắn cho gia chủ.
Mùa hoa mộc về khơi gợi nỗi nhớ quê. Dù đi đâu xa, có dịp trở về, thấy hoa xoan tím li ti trải khắp đường làng hay cây bưởi xum xuê một màu hoa như gọi mời bầy ong về hút mật. Chỉ hoa mộc vẫn dung dị khiêm nhường tỏa hương trinh trắng không vướng bụi trần.
Hoa mộc có đặc tính lưu hương rất bền. Cả khi hoa đã héo khô rồi nhưng mùi hương ngọt ngào vẫn còn vương vấn mãi.
Vì thế một số hãng sản xuất nước hoa đã cho ra đời loại nước hoa mang mùi hương đặc trưng của hoa mộc, được người dùng rất ưa chuộng. Cây và rễ mộc còn là những vị thuốc nam để chữa bệnh.
*
Sáng nay, những chùm hoa nho nhỏ, trắng nhẹ, hanh vàng nở hết mình như dâng hiến. Tôi ra vườn hít căng lồng ngực thật đẫm thứ hương kỳ diệu ấy...
Chờ một lúc nhưng không thấy anh chàng giọng khàn qua cổng. Để làm gì ư? Có lẽ chỉ để hỏi: Tại sao mộc hương của anh ta lại “đơn côi”?
Cũng vì tò mò, hỏi ra mới biết anh ta có người vợ xinh đẹp tên là Mộc Hương, nhưng cô ấy đã mất cách đây hơn mười năm vì bạo bệnh. Từ đó anh ta tính hơi lễnh đễnh...nhất là khi thu về mộc trổ bông.
Thoáng chút ngậm ngùi, tôi chạy ra hồ. Cây hoa sữa vẫn còn cố bung những nụ cuối cùng.
Chợt nhớ hai câu thơ cũ tôi viết cho một người mình đã từng thương: “Bên kia hoa sữa thở dài/ Bên này hoa mộc vẫn đài các say”.
Hoa mộc thủy chung gắn bó với mùa từ giữa thu cho tới đầu xuân mới dời đi.
Đời hoa cũng luân hồi tựa đời người. Hoa sữa tàn nhường hoa mộc nở. Giấc mơ nào rồi cũng phai phôi. Mộc hương thơm cho thương nhớ quay về...
Tản văn của Lê Phương Liên