TƯƠNG TƯ HƯƠNG MÙI NĂM CŨ

Giáp Tết năm nào tôi cũng bị tương tư. Càng xa Tết cũ thì bệnh tương tư càng nặng. Giống như khi không thể trở về kịp độ sum họp, người gốc Diễn nhớ bưởi Diễn; người gốc Quảng Bá nhớ quất đào; người làng Ước Lễ nhớ hương vị giò chả; người làng Tranh Khúc nhớ bánh chưng; người gốc ven Hồ Tây liệu có đôi chiều tha thẩn nhớ "dăm tiếng chuông xa lắc phủ Tây Hồ"? vv... Người quê đâu nhớ nhà mình nơi đó...

Tôi nhớ và bị tương tư hương mùi ngày Tết. Người sống ở miền Nam thì gọi là ngò- mãi khi vào Nam tôi mới biết cái tên gọi dễ thương này.

Nhưng hình ảnh những cây mùi tươi hoặc khô giáp Tết, già nua khiến tôi thấy thương thương là, yêu yêu là.

Nhìn những bà nội, bà ngoại của nhà người khác thì thấy nhớ và thương bà mình quá đỗi. Như những cây mùi già tưởng đã qua vàng son mà hãy còn dâng hiến mùi hương cuối cùng cho cuộc đời ở thời điểm chuyển giao cũ- mới của năm: ngày Tết.

Mấy mươi năm, Tết nào bà cũng đun nước mùi già. Từ trước khi có chúng tôi trên đời và có lẽ cho tới khi đường đời dừng lại, bà vẫn luôn làm việc đó trong chiều 30 Tết; sáng mùng Một; mùng Hai.

Bà kể rằng từ xưa các cụ trong làng đã truyền cho con cháu tục lệ tắm nước mùi già. Các cụ quan niệm tắm loại nước này là cách để tẩy đi những "bụi trần" của năm cũ; để khắp thân người đều có một làn hương thanh khiết, đón năm mới tốt lành hơn.

Mỗi làng đều có những tập tục riêng, nhưng tục tắm nước mùi già dường như nhiều làng còn giữ lại sau bao nhiêu năm.

Chiều cuối năm, bà tôi chọn một nắm mùi già, đun trong chiếc nồi lớn, trên bếp than đỏ lửa, giữa cái lạnh có khi cắt da cắt thịt. Chẳng mấy chốc, nồi nước nghi ngút khói, bà nhắc chúng tôi đi tắm sớm, để còn chuẩn bị cho mâm cúng tất niên.

Tôi hãy còn thương lắm cái mùi hương kỳ lạ, ngai ngái, thơm thơm của lá mùi; hãy còn nhớ lắm những cọng lá cũ kỹ bám trên da dẻ, rồi cảm tưởng như "bụi trần" năm cũ bay đi đâu hết sạch, chỉ còn vị tinh khiết bám trên làn da. Và thích thú như được tắm một loại "thần dược" spa hiếm thấy.

Thật kỳ lạ! Là bởi yêu thích và nhớ quãng đời đó, nên không muốn lôi cái gì ra để "chê", chỉ muốn giữ lại một làn hương của phong tục làng xứ Bắc Bộ từ lâu lắm.

Và chăng, mãi vẫn là nếp xưa của những người nông dân một đời bám ruộng như bà tôi, về già ra thành phố với con cháu, vẫn nhớ hồn quê, mà nhắc nhớ, mà gọi chúng tôi hồi tưởng về.

SG, 2015

Bình luận của bạn